Mỗi một mùa tuyển sinh, câu chuyện thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, đi xuất khẩu lao động hay chọn học đại học? luôn là câu hỏi được đặt ra và được tranh luận với nhiều quan điểm trái chiều, không chỉ là các bạn trẻ mà với nhiều người.
Là những người có tuổi trẻ và là tương lai của đất nước, nhưng nhiều học sinh trúng tuyển đại học vẫn chọn con đường đi xuất khẩu lao động vì cho rằng học đại học không có tương lại và mất thời gian? Nhiều doanh nghiệp tuyển sinh đi xuất khẩu lao động “mọc lên như nấm” cũng bởi lý do vậy.
Nhiều tư tưởng, suy nghĩ cho rằng việc học đại học 4 – 6 năm chỉ để nhận tấm bằng trên tay với tấm hình áo mũ cử nhân mà cố cho được đại học, ra trường việc làm không có, lương thấp thì lựa chọn này được xem là quá lãng phí…
Nếu để đưa học đại học và xuất khẩu lao động lên bàn cây, thì mọi thứ so sánh vẫn sẽ luôn khập khiễng. Bởi “học đại học hay xuất khẩu lao động” là quyết định và suy nghĩ riêng của mỗi người. Tuy nhiên, nói đến phạm vị rộng, lại liên quan đến nguồn lực của đất nước và tương lai của dân tộc.
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có được đến đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em” – Lời Bác Hồ đã dạy.
Đúng vậy, hiện nay, trong bối cảnh đất nước đang mạnh mẽ tiến vào cuộc cách mạng 4.0, với sự đổi thay nhanh chóng của khoa học công nghệ và chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, thế kỉ của sự phát triển, không ngừng nâng cao trình độ văn hóa kinh tế, đất nước. Để có thể bắt kịp đà phát triển của những nước mạnh thì đòi hỏi sự chung sức đồng lòng của tất cả mọi người, lực lượng chủ yếu vẫn là tuổi trẻ, những người đang có mặt trên giảng đường đại học, đang hoạt động bằng cả tâm huyết để cống hiến sức trẻ, tri thức với những đam mê cùng lòng nhiệt tình bốc lửa.
Nhưng cái lợi trước mắt là “thu nhập khủng”, nhiều người sẵn sàng bỏ học đại học, thậm chí được cha mẹ ủng hộ điều này bởi, thay vì bỏ một khoản tiền lớn để đi học, con em đi xuất khẩu lao động lại có thể “mang tiền về cho mẹ” hỗ trợ gia đình, và có một số vốn nhất định khi trở về nước. Nhưng phải chăng “mọi thứ chỉ dừng lại ở đấy”. Nhìn một cách tổng quan, trước khi đi, các bạn phải học ngoại ngữ và văn hóa, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp ít nhất từ 3-6 tháng, thậm chí đến 9-12 tháng, chi phí để đi xuất khẩu lao động dao động khoảng 120 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng, xuất khẩu lao động cần sức khỏe và sức chịu đựng cao, bởi chúng ta chưa thấy một ai đi xuất khẩu lao động mà “nhàn, sướng”…
Câu chuyện vài năm đi xuất khẩu lao động về? Ngoài việc có 1 số vốn cầm về nước, bạn vẫn phải bước lại từ đầu, trở về điểm xuất phát,… và khi đó, định hướng của bạn sẽ lại mơ hồ…. Những cá biệt “bỏ học mà vẫn thành công” như Steve Job, Bill Gate,… không nhiều và không phải là “mô hình kiểu mẫu” cho tất cả thế hệ hôm nay.
Học đại học không giống học nghề. Mục tiêu của đại học là trang bị kiến thức, nguyên lí nền tảng để phát triển năng lực tư duy, sáng tạo; Rèn luyện những kĩ năng nhất là kĩ năng nghiên cứu, tự học suốt đời, nhằm thích ứng với mọi biến chuyển của xã hội cũng như chủ động dẫn dắt xã hội tiến bộ hơn.
Một người được đào tạo bài bản, được học đúng với “tinh thần đại học” chắc chắn sẽ tự tin bước vào đời, với bất kì mọi công việc cũng như môi trường khác nhau. Nếu nhiều người học đại học “kém may mắn” ra trường chưa kiếm được việc làm ngay khi ra trường thì họ cũng có thể tự thân lập nghiệp, dễ thích ứng với mọi môi trường như lấy cái “bất biến” để ứng “vạn biến” của xã hội.
Tóm lại, xuất khẩu lao động không phải là một việc xấu, bởi giúp giải quyết nhu cầu việc làm, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng nhưng chúng ta không nên lý tưởng hóa mọi thứ, nghĩ rằng nên thay thế việc học đại học thành xuất khẩu lao động.
Vậy làm sao để phụ huynh, các em tự tin về đại học hơn?
Để đạt được mục tiêu “giáo dục đại học”, bản thân người học phải là người có trách nhiệm với việc học, với gia đình và xã hội. Không thể bạn vào đại học, lơ đãng việc học, bỏ học chơi game hay bỏ học để làm thêm những công việc bán thời gian,… khi ra trường bạn lại muốn có một công việc tốt với mức lương hấp dẫn. “Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”.
Và quan trọng hơn là các cơ sở giáo dục đại học phải kiên định sứ mệnh của mình vì mục tiêu “giáo dục đại học”. Chúng ta phải phân luồng, định hướng nghề nghiệp để học sinh chọn đúng con đường lập thân lập nghiệp, lao động sáng tạo, đóng góp tri thức cho cuộc sống, vì sự phát triển bền vững của đất nước chứ không phải hướng tất cả đổ xô đi kiếm tiền bằng mọi giá.
Tố chất của cá nhân cũng là tài sản của quốc gia, không phải tất cả tốt nghiệp đại học đều là tinh hoa. Nhưng chắc chắn, lực lượng tinh hoa vẫn nằm chủ yếu trong số những người tốt nghiệp đại học.
* Bài viết được tham khảo ở nguồn: giaoduc.net.vn