Căn cứ Đề án của Chính phủ về Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 (Đề án 1665); Thực hiện kế hoạch Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành thể lệ cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2023; hưởng ứng cuộc thi “sinh viên ETU với ý tưởng khởi nghiệp” do Trường Đại học Hòa Bình tổ chức. Trước tinh thần đó, tạo cơ hội cho sinh viên trường tiếp xúc với các đề án khởi nghiệp, tạo tiền đề, động lực thúc đẩy tinh thần, lắng nghe chia sẻ, học hỏi kinh nghiệp, dám nghĩ dám làm từ những chuyên gia, diễn giả thành công trong khởi nghiệp. Trường Đại học Hòa Bình đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Hành trình khởi nghiệp với sinh viên ETU”.
Đến dự buổi tọa đàm có đại diên Bộ GD&ĐT; Lãnh đạo đại diện Bộ KH&CN; Ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các đơn vị đào tạo, các phòng, khoa, viện, trung tâm và có sự góp mặt đông đảo các bạn sinh viên Trường Đại học Hòa Bình. Đặc biệt, là sự góp mặt của các chuyên gia diễn giả: Ông Trần Đình Tùng – Chủ tịch Hội kỹ sư xây dựng Việt Nam – VSCE, Chủ tịch Newedu – Nền tảng Nhân lực gen Z CLC; Ông Đỗ Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Novaedu; Ông Nguyễn Đăng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký CLB XTTM và Đầu tư doanh nhân trẻ Việt Nam.
Các nội dung liên quan đến vấn đề khởi nghiệp được tập trung trao đổi giữa các bạn sinh viên, thầy cô và các chuyên gia. Đặc biệt là những chia sẻ từ các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp đã rất thành công giúp sinh viên Trường Đại học Hòa Bình trong việc hướng đến sự hình thành ý tưởng khởi nghiệp, những kinh nghiệm tận dụng thời cơ và phát triển ý tưởng từ dễ đến khó, từ những điều cơ bản đến cả những thách thức trong hành trình các bạn khởi nghiệp sẽ gặp phải. Đồng thời truyền “ngọn lửa nhiệt huyết” thôi thúc sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm đến thế hệ trẻ tài năng của nhà trường.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Viện trưởng Viện Khởi nghiệp và ĐMST Mở, Trường Đại Học Hòa Bình, đồng thời cũng là HOST tọa đàm đã chia sẻ: Câu nói “Một đời như kẻ tìm đường” chính là cái tên trọn vẹn nhất, đúng đắn nhất khi nhắc đến hành trình khởi nghiệp. Trong một đời người, việc đi tìm con đường khởi nghiệp vô cùng gian nan, vô cùng thú vị nhưng bất kể một ai trong chúng ta ngồi ở đây cũng đều đang tìm kiếm mọi cơ hội cho mình cho dù là nhỏ nhất và để tìm được con đường đúng đắn nhất cho con đường của mình đó chính là học hỏi và lắng nghe những bài học, từ những “người thầy” đi trước. Buổi Tọa đàm này chính là những câu chuyện khởi nghiệp, những hành trình của các chuyên gia trong câu chuyện thành lập công ty, khởi nghiệp và những lắng nghe, góp ý hỗ trợ, mở đường,… trong câu chuyện khởi nghiệp của các bạn SV trường ETU”.
HOST: Bắt đầu buổi tọa đàm, các chuyên gia có thể cho tất cả các bạn sinh viên hiểu “Khởi nghiệp là gì” Hiện tại có đề án nào của chính phủ liên quan đến khởi nghiệp cho các bạn sinh viên?
Chuyên gia: Khởi nghiệp (hay trong tiếng Anh gọi là Starup) là một thuật ngữ chỉ những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh, hình thành doanh nghiệp, tự lên một dự án kinh doanh. Hay nói cách khác, khởi nghiệp là quá trình chúng ta hình thành, rèn luyện bản thân mình về phẩm chất, tố chất, khát vọng ước mơ, dám nghĩ dám làm và trên con đường sự nghiệp, câu chuyện khởi nghiệp là chất dẫn, khơi nguồn của những ý tưởng,…
Hiện nay, có những đề án của chính phủ liên quan đến khởi nghiệp cho các bạn học sinh, sinh viên bao gồm: Đề án Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án 1665), Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án 844) và có nhiều chính sách quan trọng, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp trong CSGD như: Thông tư 26 của Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và tổ chức hoạt động nghiên cứu KH của sinh viên; thông tư 07 quy định về công tác hỗ trợ tư vấn nghề nghiệp việc làm và hỗ tợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục,…
HOST: Vậy khởi nghiệp có khó không? Cần trang bị những gì để khởi nghiệp?
Chuyên gia: Với câu chuyện khởi nghiệp có khó khăn không? Chúng ta phải xác định được khởi nghiệp chính là phương tiện để thể hiện phong các sống của mình, có nghĩa khởi nghiệp chính là phương tiện, và phải hướng tới mục đích mình đạt được sẽ là gì?
Khởi nghiệp có khó không? Rất là khó, nhưng cũng rất là dễ nếu chúng ta biết cách. Tuy nhiên, không phải vì nó khó hay dễ mà chúng ta mới đưa ra quyết định để khởi nghiệp. Chúng ta hãy cứ dám nghĩ, dám làm, dám xông pha về phía trước.
Để trang bị cho hành trình khởi nghiệp của mình, xuất phát chính là từ các em. Điều đầu tiên qua buổi tọa đàm này, mong muốn các em hãy mạnh mẽ lên, hãy tự tin là chính mình, tự tin vào nhà trường, ban lãnh đạo nhà trường và hãy tự tin chúng ta sẽ làm được, chúng ta sẽ thành công. Sau đó, hãy tìm tòi, lắng nghe và quan sát, học hỏi từ thầy cô, từ các anh chị đi trước để tìm ra những ý tưởng hay, những ý tưởng hợp với tiêu chí cuộc thi,… Chúc các em tự tin và có những dự án tốt, thành công!
HOST: Câu hỏi riêng đến chuyên gia Đỗ Mạnh Hùng – Tổng giám độc Novaedu: Được biết NovaEdu là một tổ chức giao dục và đào tạo đã ký kết và đã tạo ra những thành tựu đáng kể như hỗ trợ quan trọng trong trong hệ sinh thái khởi nghiệp của các trường đại học. Vậy ông có thể chia sẻ cho các bạn hiểu và biết về NovaEdu được không?
Chuyên gia: NovaEdu là đơn vị ra đời với sự trăn trở, mong muốn góp phần nâng cao chất lượng nguồn năng lực Việt Nam. Hiểu rõ hơn, chúng tôi là công ty công nghệ giáo dục, chuyên cung cấp các giải pháp toàn diện về đào tạo tân tiến, định hướng nghề nghiệp, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo môi trường khởi nghiệp. Và trên con đường đấy, NovaEdu mong muốn thông qua những chương trình này, qua phối hợp với các trường đại học, đặc biệt là niềm tin rất lớn ở các em sinh viên, để kiến tạo ra những cái mới, những doanh nhân thời đại mới, thế hệ trẻ giỏi giang đủ sức gánh vác những trọng trách của đất nước, phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển lên một tầm cao mới. Và đó là những sứ mệnh mà NovaEdu hướng tới các em.
HOST: Tôi cũng như các em sinh viên ở đây rất muốn nghe về hành trình khởi nghiệp của chuyên gia Nguyễn Đăng? Và chuyên gia có thể chia sẻ những bí kíp để mình vượt qua những khó khăn để có những thành tựu như ngày hôm nay.
Chuyên gia: Nói về câu chuyện khởi nghiệp là của từng cá nhân. Nhưng sau hơn 30 năm làm nghề, tôi nhận ra được nếu mình có những định hướng trước, có người chỉ dẫn cho, thay vì mất mười mấy năm thì bây giờ tôi có thể rút ngắn thời gian để thành công.
Thật sự, khởi nghiệp đều vất vả và trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng. Để thành công như ngày hôm nay, tôi đã trải qua nhiều biến cố và những khó khăn. Nhưng với tôn chỉ của doanh nhân trẻ “Làm giàu cho mình, cống hiến cho xã hội, truyền đạt cho các em và có tránh nhiệm xã hội doanh nhân trẻ”, tôi đã cố gắng và suy nghĩ về điều đó. Tôi đã không chỉ bằng tiền mà còn là kinh nghiệm, sẵn sàng, kiến thức, và thời gian,… để chiến đấu và tiếp tục nỗ lực. Cũng qua điều đó, tôi đến đây mong muốn chia sẻ với các em: “Nếu các em không hiểu và không biết hỏi ai, thì chính các anh sẽ là cầu nối, là những người truyền đạt kinh nghiệm, bài học trong khởi nghiệp.”
Buổi tọa đàm chính là cơ hội để các bạn sinh viên có thể chia sẻ, trau dồi ý tưởng khởi nghiệp, những điều vướng phải với các chuyên gia. Từ đó các bạn có thể nhận được sự phản hồi, góp ý quý báu đề hoàn thiện ý tưởng của mình và có thêm động lức để khởi nghiệp. Dưới đây là 1 vài câu hỏi, giao lưu của các bạn sinh viên trong buổi tọa đàm.
SV Lê Khánh Chi – 512QHC: Em muốn hỏi các chuyên gia “Làm sao để mình có một ý tưởng tốt?”
Chuyên gia: Để có một ý tưởng khởi nghiệp tốt, để đến cái cốt lõi của sự thành công chính là tạo ra doanh số? Và trước tiên tạo ra doanh số, các em phải có đam mê với một điều nào đó. Bởi chỉ khi các em đam mê, các em mới dành thời gian, sự tâm huyết và cố gắng cho ý tưởng đó. Đồng thời các em cũng phải tìm hiểu thêm với ý tưởng của mình sẽ phục vụ, giải quyết bài toán nào cho thị trường? Đáp ứng nhu cầu nào? Và hãy cố gắng vẽ chân dung đấy càng rõ, cách tiếp cận càng rõ thì việc hoàn thành ý tưởng tốt càng cao. Cơ hội để thành công ý tưởng đó càng gần.
SV Nguyễn Thị Mai Loan – 522QTK: Hiện tại, chúng em có 1 sản phẩm từ một cuộc thi khác chỉ mới được xây dựng trên ý tưởng và muốn được mang sản phẩm đó vào cuộc thi này có được không? Và tiêu chí, mục tiêu của cuộc thi là như thế nào ạ?
Chuyên gia: Đối với thể lệ cuộc thi, sản phẩm, ý tưởng tham gia cuộc thi miễn không vi phạm bản quyền, tức là không thuộc cá nhân, tổ chức nào đã công bố mọi hình thức đều được tham gia cuộc thi. Vì vậy, dự án ở các nơi khác các chương trình các em đều có thể mang về, miễn đó là sản phẩm của các em. Các em cần lưu ý đến vấn đề bản quyền, thể lệ cuộc thi thôi.
Về tiêu chí, mục tiêu của cuộc thi: Mục tiêu nội hàm chính là tạo sân chơi cho các em phát huy được hết các ý tưởng, nuôi dưỡng ý tưởng và có môi trường để cọ sát và hình thức ước mơ hoài bão rõ ràng, dám nghĩ dám làm.
Tiêu chí của cuộc thi là các lĩnh vực sau: Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; Giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; Y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; Kinh doanh tạo tác động xã hội. Đặc biệt, các dự án dựa trên tính sáng tạo, tính mới và chưa có mô hình hình/sản phẩm/demo nào được công bố dưới mọi hình thức.
Để dự án của em được cao, thì ý tưởng đó các em cần xác minh rõ ràng là của đội nhóm, hay cá nhân? Và khi các em trình bày mà toát lên được sản phẩm các em đang làm lan tỏa được điều gì và BGK sẽ đánh giá cao hơn nữa là khả năng nó có thể mở rộng tiếp theo trong tương lai như thế nào? Có thiết thực cho người sử dụng hay không?
Qua buổi tọa đàm kết nối giữa các sinh viên và chuyên gia. Đây sẽ là một buổi chia sẻ đầy ý nghĩa,tạo sân chơi, động lực cho các bạn sinh viên khởi nghiệp; Nâng cao nhận thức của sinh viên về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Kết nối, tạo lập mạng lưới cho sinh viên khởi nghiệp.