Chuyến xe hành trình “trở về cội nguồn” của sinh viên khoa Y học cổ truyền

Ngày 13/09, trong chuỗi các hoạt động chào tân sinh viên K16, Khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Hòa Bình cùng sinh viên đã khởi hành chuyến xe hành trình “trở về cội nguồn” từ Hà Nội về tỉnh Hải Dương, tỉnh Hưng Yên. Chuyến đi nhằm mục đích giúp các em tân sinh viên tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và truyền thống Y học cổ truyền, đồng thời thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cho các bạn sinh viên trong học tập và rèn luyện.

Ngay từ “tờ mờ” sáng, cô PGS.TS Hoàng Minh Chung – Trưởng khoa Y học cổ truyền cùng các thầy cô trong khoa đã có mặt để chuẩn bị công tác đi lại, điểm danh sinh viên,… Đoàn xe xuất phát từ cổng Trường Đại học Hòa Bình, Hà Nội lúc 7:30 sáng và đến tỉnh Hải Dương. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Đền Bia tại Thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Đây là một trong ba di tích quốc gia đặc biệt thờ Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh – cội nguồn của ngành Y học cổ truyền.

Tương truyền khoảng gần 300 năm sau ngày mất cụ Tuệ Tĩnh, TS. Phạm Danh Nho là người cùng làng với Thiền sư Tuệ Tĩnh sang sứ bên Trung Quốc trên đường đi, ông đã nhìn thấy Bia mộ cụ Tuệ Tĩnh có dòng chữ “Ai về nước nam cho tôi về với”. Ông đã lấy giấy bản ốp vào tấm bia mộ mang về. Sau khi về nước ông cho khắc lại dòng chữ lên bia đá rồi chuyển về quê hương. Nhưng khi về đến đền Bia bây giờ, cả vùng quê bị ngập trong nước, thuyền bỗng nhiên bị lật, tấm bia đá rơi xuống khi nước rút người dân mới tìm được tâm bia và lập đền thờ thu hút hàng ngàn người dân từ khắp nơi đến đây xin thuốc. Từ đó mà tấm bia còn lưu được đến ngày nay.

Trong đền Bia hiện nay còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị nghệ thuật và lịch sử. Chính điện đền treo bức đại tự ghi 4 chữ “Thánh cung Vạn tuế” nghĩa là “Đức thánh muôn tuổi”. Tại đây, sinh viên ngoài được tham quan nơi lưu giữ những kỷ vật và di sản, còn được nghe thuyết minh về cuộc đời, sự nghiệp của cụ và những tinh hoa của cụ đóng góp cho nền Y học cổ truyền nước nhà.

Di chuyển địa điểm thứ 2, khoa Y học cổ truyền đã đến đền Xưa tại Thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Nơi đây là quê hương của Đại danh y Thiền sư Tuệ tĩnh được xây dựng trên nền đất cũ nhà của cụ trước đây. Tân sinh viên được nghe giới thiệu về thân thế sự nghiệp và đặc biệt là công lao to lớn của Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, các em đã hiểu được tại sao Thiên sư Tuệ Tĩnh được hậu thế suy tôn là “Thánh thuốc Nam”.

Điểm đến thứ ba là chùa Giám tại xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nơi đây chính là nơi nuôi dưỡng cũng là nơi Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh hành nghề chữa bệnh cứu người. Sinh viên được chiêm ngưỡng, tôn kính bảo vật “cửu phẩm liên hoa” với 9 tầng mỗi tầng có 144 pho tượng và 54 cánh sen. Cửu phẩm liên hoa có ý nghĩa từ bi, vị tha, bác ái của Đạo Phật.

Sau khi tham quan đền Bia, đền Xưa, chùa Giám là quê hương, nơi nuôi dưỡng,… của đại danh Y Thiền sư Tuệ tính, đoàn sinh viên khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Hòa Bình tiếp tục hành trình di chuyển từ tỉnh Hải Dương đến tỉnh Hưng Yên về khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên được xây dựng trên nền đất dòng họ Lê Hữu, là nơi sinh ra và lớn lên của cụ Lê Hữu Trác.

Tại đây, các bạn sinh viên đã được nghe thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – một danh y nổi tiếng của Việt Nam, là “Thầy thuốc của vua, thầy thuốc của dân”. Sau khi dâng hương Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông, các em sinh viên được người cháu đời thứ 19 dòng họ Lê Hữu chia sẻ về một số điểm đặc biệt về thân thế sự nghiệp của cụ Lê Hữu Trác theo gia phả dòng do, một số điểm còn chưa thống nhất trong sử sách và gia phả. Một tấm gương tài đức vẹn tròn của cụ mãi lưu truyền cho các hậu duệ ngành Y sau này.

Trong chuyến tham quan học tập đầu khóa, các bạn sinh viên còn được thầy cô hướng dẫn và chia sẻ một số cây thuốc nam thường dùng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng. Tuy thời gian ngắn ngủi nhưng cũng giúp các bạn vai trò và gia trị của thuốc nam đúng như lời dạy của Đại thiền sư Tuệ Tĩnh và Đại danh y Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác.

Trong chuyến đi, nhiều bạn sinh viên đã bày tỏ cảm ơn thầy cô khoa Y học cổ truyền đã mang đến cho các bạn rất nhiều kiến thức và trải nghiệm quý báu. Từ đó thêm yêu và tự hào về quê hương đất nước, đồng thời cố gắng học tập thật tốt để trở thành những bác sĩ Y học cổ truyền giỏi, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc.

Xem thêm>>> Vì sao Y học cổ truyền Trường Đại học Hòa Bình lại được nhiều thí sinh lựa chọn?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi điện cho tôi Facebook Messenger
Đăng ký tuyển sinh